Rolex Submariner, OMEGA Seamaster hay gần gũi hơn với Longines HydroConquest đều là những đại diện tiêu biểu cho thế giới đồng hồ lặn hiện đại. Và hầu hết chúng ta khi nghĩ về một chiếc đồng hồ lặn, đều lấy những chiếc tương tự như chúng để hình dung. Điều đầu tiên xuất hiện trong đầu chúng ta sẽ là khung bezel xoay đơn hướng, các chữ số Ả Rập “mập mạp” và các dấu chấm tròn chunky.
Nhưng kỳ thực, có một phong cách khác của diver watches xuất hiện trong những ngày đầu mới chập chững xuống nước và rất nhanh trở nên phổ biến trong thế giới đồng hồ lặn - Super Compressor.
Super Compressor là gì?
Đầu tiên, nó không phải là tên của một chiếc đồng hồ. Super Compressor là một loại vỏ đồng hồ được cấp bằng sáng chế và đã từng được sử dụng bởi hàng chục công ty đồng hồ lớn nhỏ khác nhau, trong đó có cả những hãng nổi tiếng (Jaeger-LeCoultre, Longines,...) hay thậm chí là một vài hãng đã sớm khuất bóng trong vực thẳm của lịch sử (Baylor, Precimax). Mặc dù đến hiện tại, Super Compressor không còn phổ biến như trong quá khứ, nhưng chúng vẫn được xem là một biểu tượng huy hoàng của lịch sử đồng hồ lặn. Nhiều nhà sưu tập đồng hồ cổ cho đến nay vẫn chưa từ bỏ những chiếc Super Compressor này.
—— Một mẫu đồng hồ lặn Benrus cổ điển sử dụng vỏ máy Super Compressor
Vỏ đồng hồ Super Compressor được cấp bằng sáng chế vào năm 1956 bởi Ervin Piquerez SA. (EPSA) - một công ty Thụy Sĩ hiện đã không còn tồn tại và loại máy này được sản xuất bởi họ trong gần 2 thập kỷ. Hầu hết đồng hồ lặn Super Compressor có thể nhận biết qua núm vương miện đôi và 2 vòng thời gian kép bên trong mặt số. Bên cạnh đó, cái tên của nó cũng nói lên công nghệ niêm phong vỏ máy lúc bấy giờ: Super Compressor - “siêu máy nén” sử dụng một lớp đệm lò xo kín hơn khi áp lực nước bên ngoài tăng lên.
Logo EPSA là một mũ bảo hiểm lặn cách điệu và có thể được tìm thấy ở bên ngoài hoặc bên trong của nắp lưng đồng hồ. Các vương miện thường không có logo của công ty nhưng có ký hiệu đan chéo cross-hatched.
—— Đồng hồ lặn Bulova sử dụng vỏ Super Compressor thập niên 60.
Thời kỳ đầu của đồng hồ lặn, các viền xoay thông thường xoay được theo cả hai hướng và chỉ sử dụng ma sát để giữ nguyên vị trí đặt của chúng. Điều này cho thấy nguy cơ rõ ràng rằng một cú va chạm vô tình vào khung bezel đã có thể khiến nó xoay chuyển, làm thay đổi thời gian được ghi lại, kéo theo đó là những sai lầm về thời gian khiến thợ lặn vượt quá giới hạn giải nén.
Có nhiều giải pháp được đưa ra để giải quyết cho vấn đề này. Giải pháp thứ nhất là phát triển khung viền xoay đơn hướng. Giải pháp thứ hai là khung khóa, cần phải ấn nút để nhả khung. Giải pháp thứ ba là một vòng thời gian (có thể xoay) được bảo vệ dưới mặt kính tinh thể của đồng hồ, nơi nó không thể bị va đập. Khi giải pháp vòng thời gian nội bộ được giới thiệu vào khoảng năm 1960, nhiều công ty đồng hồ đã áp dụng nó cho đồng hồ lặn của họ và một phong cách thẩm mỹ mới đã ra đời như thế.
— Đồng hồ lặn Super Compressor những năm 1960.
Những chiếc hồ lặn Super Compressor hai vương miện luôn sở hữu một diện mạo hiện đại và kiểu dáng đẹp hơn so với các dòng đồng hồ lặn khác. Người ta thậm chí gọi chúng là “dress divers” bởi sự thanh lịch trong thiết kế. Sự tinh tế của vòng thời gian nằm dưới lớp tinh thể đồng hồ cho phép chúng giảm bớt kích thước của viền xoay, khiến đường kính mặt đồng hồ nhỏ lại bớt. Điều này là một lợi thế lớn cho những dịp phối hợp với các bộ suit lịch lãm, hay thay dây da vào để thành một chiếc đồng hồ cổ điển cũng tốt.
Các vương miện đôi được đặt ở vị trí 2 giờ và 4 giờ, tương tác với chúng thì tựa như cách sử dụng nút bấm giờ chronograph vậy. Mấy mẫu twin-crown Super Compressor thế này thường được chế tạo ở một trong hai kích cỡ vỏ: 36mm và hiếm hơn là 42mm, cả hai kích thước này đều khá được ưa chuộng cho đến tận ngày nay.
—— Đồng hồ lặn Longines Legend Diver 36mm theo phong cách Super Compressor twin-crown cổ điển
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, bên cạnh lợi thế phong cách, Super Compressor lại thiếu chức năng. Trong khi một vương miện được dành riêng để lên dây cót và cài đặt đồng hồ, thì vương miện kia được thiết kế để xoay vòng thời gian. Nghe có vẻ đẹp về lý thuyết, nhưng lại không đẹp trong thực tế.
Thử tưởng tượng xem, bạn cố điều khiển một núm vương miện nhỏ bé bằng hai ngón tay ướt, hoặc tệ hơn là ngón tay đang đeo găng lặn thì sẽ cực kỳ khó chịu đấy. Thậm chí việc sử dụng núm vương miện trong những tình huống như thế ở dưới nước có thể làm tổn thương các lớp đệm cao su, khiến nước rò rỉ vào. Vì vậy, thực tế thì khi mẫu đồng hồ lặn twin-crown này ra mắt trong quá khứ lại không được sự đón nhận nồng nhiệt lắm.
Nhưng điều này cũng không ngăn cản vô số công ty đồng hồ áp dụng thiết kế đó cho đồng hồ lặn của họ. Những ví dụ tuyệt vời về đồng hồ lặn Super Compressor đã được bán bởi một số tên tuổi hàng đầu trong ngành chế tạo đồng hồ, chỉ khác về ngoại hình bởi mặt số và kim chỉ của họ, hay các bộ máy chuyển động bên trong chẳng hạn.
—— Mẫu đồng hồ Jaeger-LeCoultre thuộc BST Polaris vinh danh những mẫu đồng hồ lặn của hãng những năm 1960 và 1970
Đây, một ví dụ khá tốt cho thẩm mỹ đồng hồ lặn những năm 1960 và 1970. Jaeger-LeCoultre đã giới thiệu BST Polaris vào năm 2018, và đến khoảng tháng 08 năm 2019 lại cập nhật thêm những mẫu đồng hồ màu xanh Navy thời thượng. Tất cả đều được trang bị một vòng thời gian xoay nằm trong mặt số, 2 núm vương miện và các chi tiết phủ dạ quang.
Trở lại với vỏ Super Compressor, điều tuyệt vời là nó đã mang đến rất nhiều bản tái hiện cổ điển tốt và giá cả không quá “choáng”. Lấy một vài ví dụ minh chứng uy tín như: Universal Genève Polerouter Sub, Longines Compressor, Vulcain Diving Alarm, IWC Aquatimer và the Jaeger-LeCoultre Polaris.
—— Một mẫu đồng hồ lặn IWC Aquatimer với phong cách Super Compressor được cải tiến thêm tính năng chronograph
Ừm… kỳ thực thì giá cả của chúng cũng chưa hẳn khiêm tốn lắm. Không sao. Bên cạnh đó cũng có một số hãng cung cấp các phiên bản có diện mạo giống Super Compressor cổ điển thực sự nhưng giá cả vẫn thân thiện như Hamilton 600 chẳng hạn.
—— Đồng hồ Hamilton 600 theo phong cách Super Compressor cổ điển
Có không ít những mẫu đồng hồ hiện đại ra mắt những năm gần đây sở hữu lối thiết kế Super Compressor và hướng về thẩm mỹ trong quá khứ. Chúng có vòng thời gian xoay bên trong mặt số và núm vương miện đôi. Nhưng hãy lưu ý rằng đây chỉ là một phong cách thiết kế retro, chứ không hề được trang bị bộ vỏ Super Compressor chính thống về mặt kỹ thuật.
Vài năm trước, Longines Legend Diver mà chúng ta mới gặp gỡ bên trên, đây là một mô hình mà Longines đã giới thiệu như một sự tôn kính đối với Super Compressor năm 1960 của họ và nó “cũ” một cách chân thật như thể bạn đang nhìn thấy quá khứ. Longines Legend Diver được hoàn chỉnh với một tinh thể pha lê hình vòm (nay là sapphire), logo cũ và chữ viết thanh lịch. Trên đầu của núm vương miện có những nét gạch chéo và các mốc chỉ giờ cũ kỹ. Tuyệt vời hơn nữa là nó có khả năng kháng nước lên đến 300 mét, có thể lặn cùng bạn dưới điều kiện mực nước không quá sâu.
Bộ sưu tập đồng hồ lặn cổ điển IWC’s Vintage Collection Aquatimer là một sự truy đuổi ngược dòng thời gian, bày tỏ lòng tôn kính với những mô hình lặn đầu tiên của IWC Schaffhausen từ năm 1967. Chúng mang đến một góc nhìn tốt với sự cân bằng thiết kế giữa hiện đại và quá khứ. Vương miện kép, dây đeo cao su lấy cảm hứng từ retro.
Đồng hồ lặn cổ điển IWC Vintage Aquatimer
Đồng hồ cổ đang nóng trong những năm gần đây. Luxshopping luôn nhận được sự quan tâm của khách hàng về thương hiệu, mẫu mã và kiểu dáng của chúng. Số ít khách hàng cũng có quan tâm đến những mẫu đồng hồ lặn cổ, không quá rườm rà và bị chi phối bởi nhiều chi tiết hiện đại. Những chiếc đồng hồ công cụ sáng tạo này đã từng đứng trước thử thách của thời gian, và giờ đây vẫn giữ được sự vênh vang phiêu lưu từ thời hoàng kim của ngành kỹ thuật đồng hồ vào những năm 1960.
Tin chắc nếu bạn có trong tay một mẫu đồng hồ lặn theo phong cách Super Compressor thì nó sẽ là đề tài của một vài câu chuyện thú vị để chia sẻ đấy.
Luxury Shopping
Bình luận - Phản hồi