Đồng hồ Chronograph là gì?
Đồng hồ Chronograph gọi một cách thuần Việt là đồng hồ bấm giờ. Và giống như cái tên của nó, đây là những chiếc đồng hồ đeo tay có chức năng ghi lại thời gian của một sự kiện diễn ra trong một thời điểm nhất định. Lấy ví dụ như bạn đang cần canh thời gian hầm một nồi nước dùng trong 30 phút; hay bạn cần ghi lại thời gian rơi tự do của một vật thể chẳng hạn.
Đồng hồ bấm giờ Vacheron Constantin Overseas
Một chiếc đồng hồ Chronograph cơ bản sẽ có nút start/stop (bắt đầu/dừng) và nút reset (đặt lại). Phần lớn đồng hồ bấm giờ đều sử dụng kim giây trung tâm để ghi lại thời gian, vì thế chúng sẽ tính theo đơn vị giây. Kim giây trung tâm lúc này còn được biết đến với cái tên kim Chronograph. Một biến thể đặc biệt khác của đồng hồ bấm giờ chính là đồng hồ Chronograph Split-Seconds (hay Rattrapante - đồng hồ bấm giờ tách giây), cho phép người dùng ghi lại thời gian của nhiều sự kiện bắt đầu cùng một lúc và kết thúc tại những thời điểm khác nhau. Chẳng hạn như bạn muốn ghi lại thời gian về đích của hai con ngựa ở trường đua và muốn biết thời gian chênh lệch khi về đích giữa chúng, bạn có thể bắt đầu bấm giờ cùng một lúc và cho dừng 1 trong 2 kim chronograph khi con ngựa đầu tiên đã về đến đích.
Đồng hồ IWC Portugieser Chronograph Rattrapante Limited với 2 cây kim giây chronograph
Đồng hồ Chronograph truyền thống thường được kiểm soát bởi một bánh xe cột (column-wheel, còn được biết đến với cái tên bánh xe đạn). Bánh xe cột có răng cưa bám bên ngoài và một trụ có khía ở trên đỉnh được đặt thẳng đứng. Column-wheel hoạt động như một công tắc xoay bật/tắt cho tính năng chronograph. Khi bấm kích hoạt (phần lớn nằm ở vị trí 2 giờ trên vỏ đồng hồ), nút start/stop này sẽ xoay bánh xe cột thông qua cần gạt, qua đó quyết định việc bắt đầu hoặc kết thúc công tác ghi thời gian của Chronograph.
Column-wheel (bánh xe cột) trong bộ máy cơ Chronograph
Để ghi lại phút, một thiết bị giảm tốc phải được thiết lập. Bánh xe Chronograph trung tâm mang theo một finger đóng vai trò giảm tốc. Finger này sẽ điều khiển bánh xe phút trung gian (intermediate minute-wheel) nhích một răng mỗi khi kim giây quay giáp một vòng. Bánh xe phút trung gian, nói một cách dễ hiểu là bánh xe phút Chronograph, nó chỉ tác động đến kim phút chronograph (thường nằm ở mặt số phụ tại vị trí 3 giờ) mà không ảnh hưởng gì đến phút thực tế của đồng hồ.
Để dừng tính năng Chronograph, bạn chỉ cần bấm lại nút start/stop một lần nữa. Lần này, nó xoay bánh xe cột sang vị trí tắt. Ở vị trí tắt, bánh xe Chronograph trung gian được nhả ra. Ngoài ra, một đòn bẩy phanh sẽ chạm vào bánh xe chronograph trung tâm để dừng tất cả các chuyển động ngay lập tức. Khi nhấn nút reset, kim giây chronograph và kim phút chronograph phải ngay lập tức trở về 00:00. Để thực hiện điều này, bánh xe chronograph trung tâm và bánh xe phút mang heart-cam được gắn đồng trục. Nút reset đẩy một đòn bẩy, lần lượt tác động vào các heart-cam. Sau đó, các heart-cam sẽ quay bánh xe của chúng trở về 00:00.
Kỳ thực nếu bạn không có hứng thú với cơ khí, bạn không nhất thiết phải hiểu rõ từng chi tiết mà chúng tôi đề cập bên trên. Về bản chất thì đồng hồ Chronograph được xem là những chiếc đồng hồ công cụ, mà đã dùng đến hai từ “công cụ” này thì nó đích xác là phục vụ cho một công việc cụ thể nào đó. Đương nhiên, bất cứ ai trong chúng ta đều muốn tìm được một công cụ phù hợp với bản thân nhất. Thế nên hôm nay Luxshopping sẽ cùng bạn tìm hiểu 10 yếu tố cần cân nhắc khi chọn mua một chiếc đồng hồ bấm giờ, đảm bảo nó đáp ứng được các mong muốn và nhu cầu của bạn.
Cách mà bạn sử dụng
Nhân viên bán hàng: “Quý khách sẽ sử dụng đồng hồ Chronograph của mình để làm gì?”
Khách hàng: “Để làm gì ư? Tôi chưa từng nghĩ đến việc này.”
Đồng hồ Chronograph không chỉ dành cho những cuộc đua tốc độ, chúng mang lại nhiều ứng dụng thiết thực trong cuộc sống, chẳng hạn như: theo dõi thời gian khi nấu ăn, khi rèn luyện ở phòng gym, khi chạy bộ hay bơi lội, thậm chí là sử dụng chúng để ghi lại thời gian trong những cuộc hội họp quan trọng. Phần lớn đồng hồ bấm giờ sẽ dễ dàng chiếm được cảm tình từ phái mạnh hơn, bởi vì chúng thực sự hữu ích trong hầu hết các sinh hoạt thường nhật của nam giới.
Bạn có thể ngồi nhâm nhi một tách cafe, đọc một tờ báo trong khoảng 30 phút trước khi chuyến bay của bạn cất cánh mà không lo trễ giờ. Còn tận 20 phút nữa mới đến chương trình bóng đá mà bạn yêu thích ư? Bạn có thể bấm giờ rồi đi mua vài lon bia hay nướng vài con khô mực mà không cần ngồi chầu chực mãi trước tivi. Vợ của bạn nói rằng cô ấy sẽ trang điểm trong 5 phút sau đó sẽ đi chơi cùng bạn sao? Bạn có thể bấm… À, thôi. Đây là một ý tưởng phi thực tế.
Nếu chỉ đơn giản là bạn muốn sưu tầm một chiếc đồng hồ Chronograph, vậy thì sao cũng được. Nhưng nếu nó phục vụ cho công việc hoặc cuộc sống của bạn thì hãy lựa chọn theo mục đích ban đầu. Chẳng hạn một vài mẫu đồng hồ lặn Chronograph có thiết kế đặc biệt, đáp ứng cho việc có thể cùng bạn ngoạn đến vài trăm mét dưới mặt nước, với mặt số có các chi tiết phủ sơn dạ quang để dễ dàng đọc được trong bóng tối. Một vài mẫu đồng hồ bấm giờ phi công được thiết kế để chạy hàng giờ đồng hồ, trong khi phần lớn những chiếc chronograph thông thường thì chỉ ghi được tối đa 50 phút.
Tính dễ đọc
Tính dễ đọc - hiển thị thời gian một cách rõ ràng nhất để bạn có thể nhìn nhận khi sử dụng tính năng bấm giờ. Điều này chẳng phải là hiển nhiên ư? Không đâu, chí ít thì ở thời điểm hiện tại nó không còn là việc hiển nhiên nữa. Ngày nay, tính dễ đọc của đồng hồ Chronograph dần bị kết liễu trên chiến trường khốc liệt của thời trang. Vài nhà sản xuất sẽ bỏ qua lợi ích của tính dễ đọc để đổi lấy vẻ bề ngoài mỹ mạo và bắt mắt cho chiếc đồng hồ hái ra tiền của họ.
Đồng hồ IWC Pilot’s Watch Chronograph 2018 với mặt số tương phản, rõ ràng và dễ đọc
Thế đấy, bạn sẽ chẳng muốn tìm mua một chiếc đồng hồ Chronograph gây khó khăn cho việc tính giờ của bạn đâu đúng không? Vì thế yếu tố thứ hai cần phải lưu ý chính là bố cục của mặt số chính và các mặt số phụ có gọn gàng trật tự không? Các chi tiết trên mặt số có nổi bật và dễ đọc không? Bộ kim đã đủ to chưa? Và nếu bạn là người Việt Nam, hãy dành sự quan tâm cho những chiếc đồng hồ bấm giờ có các mốc hiển thị là chữ số Ả Rập, chúng sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian đọc giờ hơn đấy. Hơn thế nữa, nếu bạn thường xuyên làm việc ở những nơi không đầy đủ ánh sáng thì nhất định phải thử nghiệm tính phản quang của các chi tiết trên mặt số. Đây là điều cực kỳ quan trọng và thiết nghĩ sẽ có ít mẫu mã phù hợp với nhu cầu của bạn. Trong trường hợp này, bạn có thể tìm đến những địa điểm cung cấp đồng hồ chính hãng uy tín để được tư vấn cụ thể.
Nguồn gốc của bộ máy đồng hồ
Bộ máy Chronograph có một loạt các chủng loại với nhiều nguồn gốc khác nhau: in-house, third-party (bên thứ ba) và hybrid (hỗn hợp), tích hợp và mô-đun (modular), . . . Đối với một số người, đây là một hệ thống đẳng cấp ảo. Nó thậm chí ảnh hưởng mạnh mẽ đến giá cả, độ phổ biến và thậm chí là danh tiếng của chiếc đồng hồ. Nói ví dụ như có vài chiếc đồng hồ cơ được lắp ráp “in-house” hiện đại có mức giá ngang bằng, thậm chí là cao hơn những mẫu đồng hồ cổ có cùng tính năng.
TAG Heuer Calibre 1969 in-house Chronograph movement
Bộ máy Chronograph in-house thường là chronograph tích hợp, không phải chronograph mô-đun (những cái này là gì? Chúng ta sẽ cùng giải đáp ở phần 4), và bánh xe cột thường chiếm sự điều khiển trung tâm. Sự xuất hiện của cụm từ “in-house” dường như là một phần uy danh của thương hiệu, vì thế mà những cỗ máy Chronograph in-house thường được những nhà sản xuất hoàn thiện tốt các chức năng, trau chuốt cẩn thận và từ đó đạt được một tiêu chuẩn chất lượng nhất định. Sản xuất in-house hay còn gọi là sản xuất nội bộ, mang lại cho các hãng đồng hồ sự tự do để nghiên cứu và phát triển các thiết kế đơn lẻ, cung cấp quyển kiểm soát mọi bước trong quy trình sản xuất. Tất nhiên, hai từ “in-house” này đòi hỏi một khoản đầu tư không hề nhỏ nếu bạn muốn sở hữu chúng. Dù sao thì sự đẳng cấp và xa xỉ nào cũng sở hữu một con số chẳng mấy khiêm tốn cả.
Bộ máy của bên thứ ba cung cấp cũng có lợi thế của riêng chúng. Hầu hết chúng đã xuất hiện trên thị trường trong một thời gian nhất định, hoặc dựa trên các thiết kế đã qua thử nghiệm và kiểm định, vì vậy chúng cực kỳ đáng tin cậy. Chi phí cho những dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa của chúng thường không quá cao và bạn không nhất thiết phải gửi chiếc đồng hồ của mình ra nước ngoài. Phụ kiện thay thế chính hãng có thể dễ dàng tìm thấy ở những địa điểm bảo hành và sửa chữa đồng hồ uy tín.
Đồng hồ Panerai Chronograph Split-Second PAM00147 sử dụng bộ máy bên thứ ba Venus Cal.185
Những bộ máy bên thứ ba cung cấp thường khá mạnh mẽ và chúng có thể là những cỗ máy chấm công tuyệt vời. (ETA cung cấp các bộ máy cơ học ở các cấp khác nhau và khi bạn đi đến những phân khúc cao hơn, chất lượng của chúng cũng được cải thiện. Cấp cao nhất được cấp chứng nhận COSC). Mặt khác, các bộ máy bên thứ ba thường được sản xuất số lượng lớn vì thế mà chúng không gán mác “độc quyền”. Điều này phần nào giảm đi một phần chi phí đáng kể trong khoản đầu tư cho đồng hồ đeo tay của bạn.
Tích hợp hay bổ trợ
Tích hợp hay bổ trợ? Gọi một cách chính xác hơn là đồng hồ bấm giờ tích hợp (chronograph integrated) và đồng hồ bấm giờ mô-đun (chronograph modular). Bạn đã biết gì về hai loại này chưa? Nếu chưa bạn có thể tìm hiểu rõ tại đây: Phân biệt đồng hồ Chronograph tích hợp và Chronograph mô-đun. Hoặc thời điểm này bạn chưa muốn nghiên cứu sâu? Vậy cứ đi tiếp thôi. Luxshopping sẽ trình bày một cách ngắn gọn nhưng vẫn đủ minh bạch cho bạn.
Bàn về thiết kế bộ máy bấm giờ, những người theo chủ nghĩa thuần túy thường thích những bộ máy chronograph tích hợp hơn là chronograph mô-đun, bởi vì chronograph tích hợp được thiết kế để trở thành một chiếc đồng hồ bấm giờ ngay từ đầu (trong khi chronograph mô-đun là sự phát triển dựa trên một bộ máy cơ bản đã có từ trước đó). Điều này có nghĩa là sao? Có nghĩa là tất cả các thành phần của bộ máy đã được tối ưu ngay từ ban đầu để phục vụ cho tính năng bấm giờ. Đây là có thể là một yếu tố quan trọng, bởi vì Chronograph có thể xem là một biến chứng khá “nặng nề”, nó kéo khá nhiều sức mạnh để vận hành.
Ngược lại, chronograph mô-đun là sự kết hợp của một mô-đun bấm giờ và một bộ calibre cơ sở. Bộ calibre cơ sở này không phải sinh ra là để phục vụ cho tính năng bấm giờ ngay từ đầu, thế nên nó có thể sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự vận hành của chronograph. Thiết kế chronograph mô-đun còn được gọi là thiết kế sandwich hoặc piggyback (cõng trên lưng). Sở dĩ có tên gọi như thế bởi vì nó bắt đầu với một bộ máy cơ sở (không có tính năng bấm giờ) ở tầng bên dưới, và sau đó kẹp thêm một “lát” mô-đun chronograph bên trên. Thế là bạn đã có một chiếc bánh sandwich chronograph rồi đấy.
Xét về góc nhìn thẩm mỹ, nếu bạn có sở thích quan sát bộ máy chuyển động qua mặt lưng hay mặt số lộ cơ thì vẫn nên dành sự ưu tiên cho chronograph tích hợp. Sự phối hợp ăn ý giữa các thành phần được sinh ra để “dành cho nhau” sẽ mang đến một sức sống kỳ diệu.
Patek Philippe Chronograph 5172G
Trừ một vài trường hợp quá xuất sắc ra, nhiều người vẫn cho rằng cấu trúc chronograph mô-đun sẽ kém chính xác hơn. Kim giây chronograph mỗi lần khởi động đều bị “giật mình” một cái, hay nói chính xác là nó bị va đập một cú trước khi chạy. Điều này khiến cho những cây kim khác có thể nhảy nhẹ một cái khi tính năng chronograph được kích hoạt (ngay cả bánh xe ngày cũng có thể bị nhích nhẹ). Hơn nữa, kim phút chronograph của nó di chuyển dạng quét chứ không phải thực hiện nhảy từng bước. Một vài người sẽ thích kim phút thực hiện những bước đi rõ ràng chứ không phải cứ chậm rãi quét trên mặt số. Trong khi đó, chronograph tích hợp được đánh giá là ổn định hơn nhiều. Sự hỗ động nhịp nhàng giữa các bộ phận trong bộ máy cho phép chúng bật/tắt một cách mượt mà.
Bàn về giá cả. Phần lớn những chiếc đồng hồ bấm giờ tích hợp sẽ đắt hơn so với đồng hồ bấm giờ mô-đun. Tuy nhiên, đó chỉ là giá cả của đồng hồ, còn chi phí cho dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa chúng thì hoàn toàn ngược lại. Đồng hồ chronograph mô-đun khó phục vụ hơn nhiều so với chronograph tích hợp. Đôi lúc bạn sẽ phải mua cả một bộ mô-đun mới khi chiếc đồng hồ xảy ra hư hỏng, đó không phải một phương án hay để tiết kiệm. Mặc khác, hầu hết các trung tâm bảo dưỡng và sửa chữa luôn vui vẻ tiếp đón chronograph tích hợp, bởi phụ kiện thay thế của chúng thường có sẵn và cũng ít khi gặp hư hỏng ngoài khả năng.
Column-wheel hay Cam-wheel
Bình thường thì bạn sẽ sử dụng Chronograph như thế nào? Bấm vào nút start/stop (thường ở vị trí 2 giờ) lần thứ nhất để khởi động, sau đó bấm lần thứ hai để dừng và cuối cùng là bấm nút reset (thường là nút cuối cùng ở vị trí 3 hoặc 4 giờ) để những cây kim trở lại vị trí 00:00. Đúng chứ? Nhưng bạn có thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn bấm nút reset khi tính năng Chronograph đang chạy không? Nó đại khái tựa như một con tàu đang chạy với vận tốc rất nhanh, đâm thẳng vào vách núi và…
Mặt sau của đồng hồ Chronograph Vacheron Constantin sử dụng column-wheel
Để ngăn chặn thảm họa này, đồng hồ bấm giờ sử dụng các hệ thống để phối hợp cùng với những chuyển động được khởi xướng từ các nút bấm chronograph. Tương tự như bộ máy đồng hồ, sẽ có nhiều hệ thống khác nhau, mỗi hệ thống đều sẽ có những lời ủng hộ và chê bai. Hệ thống truyền thống được ưa chuộng bởi những người theo chủ nghĩa thuần túy, sử dụng bánh xe cột (column-wheel). Sở dĩ nó được đặt tên như vậy bởi vì thành phần chính trông giống như một bánh xe với một loạt các cột nhỏ mọc thẳng đứng lên từ nó. Mỗi lần bạn bấm nút, bánh xe này sẽ quay. Và mỗi khi nó quay, các cột và khoảng trống ở giữa di chuyển theo từng bước nhỏ. Hành động này di chuyển các đầu của đòn bẩy dựa vào bánh xe cột. Các đòn bẩy sẽ điều khiển các chức năng start/stop và reset. Column-wheel là một hình thức truyền thống, đắt tiền để sản xuất và điều chỉnh, đồng thời còn khó phục vụ. Bù lại chúng trông rất tuyệt vời và tạo một cảm giác trơn tru khi sử dụng. Nói cách khác, bạn sẽ nhìn thấy chúng góp mặt trong những chiếc đồng hồ Chronograph cao cấp và sang trọng.
Cận cảnh bánh xe cột (column-wheel) trong bộ máy của đồng hồ A. Lange & Söhne Datograph
Column wheel đã từng có mặt ở khắp nơi, nhưng một số nhà sản xuất theo đuổi sự hiệu quả đã phát triển các cơ chế cam để thay thế cho bánh xe cột. Hệ thống mới này có chức năng tương tự như hệ thống truyền thống, với một cam lập dị (một miếng kim loại mỏng có hình dạng không đồng đều) thay thế cho column-wheel. Các hệ thống cam thường ít tốn kém hơn để sản xuất, dễ điều chỉnh hơn, dễ bảo trì hơn, nhưng bù lại nó không đẹp mắt bằng.
Cam wheel trong bộ máy Chronograph Habring²
Xét về sự hữu dụng, cam thường hoạt động tốt như column-wheel. NASA đã chứng nhận cả hai phiên bản column-wheel và cam-wheel của Omega Speedmaster cho chuyến du hành vào vũ trụ. Chronograph được cung cấp bởi Lemania Calibre 5100 với cơ cấu cam được một số quốc gia chứng nhận cho sử dụng quân sự. Khi tập đoàn Swatch tuyên bố sẽ ngừng sản xuất Calibre 5100, các nhà sản xuất đồng hồ sử dụng bộ máy này đã quyết liệt phản đối. Họ cho rằng đó là calibre duy nhất có thể chịu được các cú sốc lớn mà không cần tính năng dừng giây (stop seconds hay hack seconds). Kết quả là calibre 5100 vẫn bị ngừng sử dụng và được thay thế bằng Calibre ETA. Cuối cùng, ETA 7750 cũng được biết đến rộng rãi và nó vẫn sử dụng chuyển mạch cam.
Nếu bạn đang tìm mua một chiếc đồng hồ bấm giờ để phục vụ cho công việc và bạn không quan tâm đến bộ máy bên trong có đẹp hay không thì Chronograph cam-wheel là một lựa chọn không tồi. Nó chiếm một khoản chi phí khiêm tốn hơn column-wheel mà chất lượng cũng không hề thua kém.
Khớp nối ngang hay ly hợp dọc
Để các column-wheel và cam sang một bên, chúng ta tiến tới hạ nguồn của dòng suối năng lượng được dẫn truyền từ dây cót đến cơ chế chronograph. Tại đây cũng xảy ra cuộc cạnh tranh giữa các hệ thống. Hệ thống truyền thống sử dụng khớp nối ngang (horizontal coupling) hoặc khớp nối bên (lateral coupling) để truyền năng lượng. Khi nhấn nút khởi động, một bánh xe được gắn trên cầu nối có thể di chuyển hoặc một cần gạt trượt theo chiều ngang để liên kết với fourth-wheel. Cần phải có một bánh xe trượt trung gian, vì nếu fourth-wheel được nối trực tiếp với bánh xe chronograph trung tâm thì kết quả là kim giây sẽ xoay ngược chiều kim đồng hồ.
Bộ máy khớp nối ngang Vacheron Constantin 3300 column-wheel chronograph caliber
Cấu trúc khớp nối ngang rất thẩm mỹ, tuy nhiên hệ thống bánh răng chia lưới có thể khiến kim giây chronograph nảy lên khi bắt đầu bấm giờ. Mặc khác, các răng cưa (của bánh xe) sử dụng trong khớp nối chronograph ngang có hình dạng hoặc cấu tạo khác so với răng cưa được sử dụng để truyền năng lượng. Khi bạn sử dụng tính năng chronograph nhiều hoặc thường xuyên, đồng nghĩa với việc để cho các răng cưa này tiếp xúc với nhau nhiều hơn, thời gian dài có thể khiến chúng bị mòn. Các bánh xe phụ trong hệ thống này cũng có thể tiêu hao một phần năng lượng từ dây cót, ảnh hưởng đến biên độ dao động của bánh xe cân bằng và từ đó gây bất lợi cho độ chính xác của đồng hồ.
Một hệ thống cạnh tranh khác trong cuộc chiến này có tên là ly hợp dọc. Mặc dù không đẹp bằng đối thủ của mình (vì sự kết nối với cơ chế chronograph phần lớn diễn ra ở những nơi mà bạn không thể quan sát được), nhưng chúng lại có một vài lợi thế không thể bỏ qua. Nó làm giảm lực cản của chronograph, kim giây chronograph không nảy lên khi khởi động và chronograph có thể chạy liên tục mà không gây hao mòn quá mức.
Rolex 4130 Chronograph column-wheel, ly hợp dọc
Nói một cách đơn giản, trong hệ thống dọc, cơ chế chronograph luôn nằm trong “cùng một mạng lưới” với bánh xe thời gian (timekeeping wheel). Bên cạnh đó, bộ ly hợp sẽ tham gia và ngắt kết nối với cơ chế chronograph. Ly hợp có nghĩa là khởi động trơn tru cho kim giây chronograph và luôn “cùng một mạng lưới” có nghĩa là khi khởi động tính năng chronograph sẽ không phát sinh lực cản đáng kể. Bù lại, nó vẫn có những nhược điểm nhất định, chẳng hạn như: chi phí, thẩm mỹ và thực thế là nó có thể sẽ khó bảo dưỡng hay sửa chữa.
Nếu bạn là một người theo chủ nghĩa truyền thống, bạn sẵn sàng đánh đổi chút chính xác của đồng hồ để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cỗ máy chronograph khi nó khởi động, hệ thống khớp nối ngang là sự lựa chọn lý tưởng dành cho bạn. Nhưng nếu bạn quan tâm đến độ chính xác hoặc sử dụng chronograph cho công việc mang tính thường xuyên, bạn hãy cân nhắc nhiều hơn cho ly hợp dọc.
Mối tương liên giữa tần số chuyển động và các phần của 1 giây
Có một mối quan hệ trực tiếp giữa tần số chuyển động và các phần của giây mà nó có thể đo được. Tần số càng cao, phần đo được càng nhỏ. Lấy ví dụ như Zenith El Primero 21, nó có thể đo chính xác đến 1/100 của 1 giây với tần số dao động của bộ thoát chronograph lên đến 360.000 vph. (Zenith El Primero 21 là đồng hồ chronograph mô-đun và nó có 2 bộ thoát. Trong đó bộ thoát của bộ máy cơ sở chỉ có tần số 36.000 vph. Khi tìm hiểu, bạn nên chú ý phần này)
Đồng hồ Chronograph Zenith El Primero 21
Theo sự phát triển của ngành chế tạo đồng hồ tính đến thời điểm hiện tại, tần số trung bình của đồng hồ chronograph đã tăng lên rất nhiều so với trước đây, điều này có nghĩa là chúng có thể ghi được những phần nhỏ hơn của một giây. Tần số chuyển động được thể hiện bằng các rung động mỗi giờ hoặc vph. Điều này liên quan đến tốc độ dao động của bánh xe cân bằng (balance wheel). Nhìn từ trên xuống, bạn sẽ thấy bánh xe cân bằng xoay qua xoay lại (một số ít trường hợp đặc biệt sẽ đập lên xuống). Mỗi cú xoay sang trái hoặc xoay sang phải được tính là một rung động. Mỗi rung động (hoặc mỗi nhịp xoay) sẽ khiến cho kim giây nhích một bước về phía trước. Một nhích này không hẳn là một giây. Nếu tần số dao động quá nhanh, một nhích này có thể chỉ chiếm 1 phần rất nhỏ của 1 giây.
Kỳ thực, Zenith El Primero 21 là một ví dụ khá “vĩ đại”. Trở lại với sự phổ biến, tần số mà chúng ta thường bắt gặp ở các bộ máy cơ chronograph hiện đại là 28.800 vph. Để tính xem có bao nhiêu rung động mỗi giây trong một tần số cụ thể, bạn chỉ cần lấy tần số đó chia cho 3600. (Ví dụ: 28.000 vph tương đương 1/8 giây; 21.600 vph tương đương ⅕ giây; 36.000 vph tương đương 1/10 giây và 360.000 vph tương đương 1/100 giây)
Khi đã thành thạo một chút về phép toán này, chúng ta đến với sự di chuyển của kim giây. Một điều đáng lưu ý: tần số không phải lúc nào cũng quyết định hiển thị của kim giây chronograph. Đôi khi tần số này chỉ được sử dụng để thay đổi tốc độ quay của kim chronograph mà thôi. Nói ví dụ như đồng hồ bấm giờ có tần số 28.800 vph thường được định hướng để đo 1/5 giây trên mặt số chứ không phải 1/8 giây.
Đồng hồ TAG Heuer Mikrograph có thể ghi lại thời gian 1/100 giây
Trong những năm gần đây, một số nhà sản xuất như TAG Heuer và Zenith đã bắt đầu sản xuất đồng hồ bấm giờ với 2 barrel chính (hiểu nôm na là 2 thùng năng lượng), 2 bánh xe trượt và 2 bộ thoát với các tần số khác nhau. Chúng ta sẽ gọi 2 bộ thoát này là: bộ thoát thời gian và bộ thoát chronograph. Bộ thoát thời gian có tần số “nhàn nhã”, cho phép bộ máy hoạt động trong nhiều năm liên tục mà không bị hao mòn nhiều và có mức dự trữ năng lượng dài. Trong khi bộ thoát chronograph sẽ có tần số cao hơn, cho phép nó ghi lại những sự kiện chính xác đến các phần nhỏ của một giây, nhưng bù lại, barrel của nó sẽ không đủ để hoạt động liên tiếp trong nhiều giờ.
Các biến thể ngoại lai
Bất kể phát minh nào ra đời dưới bàn tay của các bậc thầy chế tạo đều sẽ có những bước tiến khiến nó trở nên phức tạp hơn. Kết quả này mang đến cho chúng ta một số biến thể đồng hồ kỳ lạ: flyback và rattrapante. Flyback, tôi tình cờ nghe một vài người gọi nó là “chronograph bay ngược”, cái tên này vẫn nằm trong khả năng mà tôi có thể hiểu được. Một vài người khác gọi nó là “đồng hồ đếm ngược”. Bạn... đang đùa với tôi sao?
Đồng hồ Frederique Constant Flyback Chronograph
Flyback, đôi khi được gọi là split-seconds flyback. Trong tiếng Việt? Thiết nghĩ chúng ta không cần tự làm khó mình, “đồng hồ bấm giờ flyback” đã là một cái tên không tồi để biểu hiện đầy đủ ý nghĩa của nó rồi. Nó có thể được sử dụng như một đồng hồ chronograph truyền thống, nhưng bổ sung thêm một tính năng đặc biệt: cho phép bạn dừng, đặt lại và khởi động lại tính năng chronograph chỉ bằng 1 nút bấm (thường là nút ở vị trí 4 giờ). Hạn chế của flyback là cơ chế reset khiến cho việc đọc thời gian chính xác trở nên khó khăn. Khi bạn bấm nút ở vị trí 4 giờ, kim giây chronograph sẽ không tạm dừng cho bạn đọc (như những chronograph thông thường) mà nó sẽ ngay lập tức trở về 00:00. Đâu phải lúc nào bạn cũng nhìn chằm chằm vào vạch kết thúc để chuẩn bị bấm nút cho việc ghi giờ tiếp theo? Bạn cũng có thể đang nhìn vào thời gian thực tế vậy?
Flyback hữu ích hơn nhiều khi nó không cần đo đến các phần quá nhỏ của giây. Chẳng hạn như một phi công phải thực hiện một loạt các thao tác liên tiếp, mỗi thao tác đều phải xử lý trong một khoảng thời gian được chỉ định, anh ấy có thể nhanh chóng reset và khởi động lại tính năng chronograph trước khi thực hiện mỗi việc.
Đồng hồ IWC Pilot’s Spitfire Chronograph IW387802 với tính năng Flyback
Một biến thể kỳ lạ khác là đồng hồ bấm giờ rattrapante, còn được gọi là split-seconds hoặc doppelchronograph. Rattrapante trong tiếp Pháp có nghĩa là “bắt kịp” hoặc “bắt một lần nữa” và doppelchronograph trong tiếng Đức có nghĩa là “bấm giờ hai lần” (double chronograph).
Đồng hồ Omega De Ville Chronograph Rattrapante Automatic
Những chiếc đồng hồ này có 2 kim giây chronograph. Bình thường khi tính năng chronograph không được kích hoạt, 2 cây kim này sẽ nằm xếp chồng lên nhau và di chuyển cùng một lúc. Tạm gọi một cây kim chronograph biến thể kia là kim rattrapante. Kim rattrapante có thể được vận hành độc lập bằng một nút bấm khác (thường nằm ở vị trí 8 giờ hoặc 10 giờ).
Khi kích hoạt tính năng chronograph bằng nút bấm 2 giờ, đầu tiên cả hai cây kim này sẽ chạy song song cùng một lúc. Sau đó, khi sự kiện đầu tiên kết thúc, bạn bấm vào nút 10 giờ để 1 trong 2 cây kim dừng lại. (Tại đây, hai cây kim dường như tách ra, nên mới có tên là split-seconds: “tách giây”). Tiếp tục, khi sự kiện thứ hai kết thúc, bạn lại bấm vào nút 2 giờ một lần nữa để kim chronograph dừng lại. Lúc này, 2 cây kim chronograph sẽ hiển thị thời gian ghi của cả hai sự kiện cùng lúc. Nhấn nút rattrapante một lần nữa sẽ làm cho kim rattrapante bắt kịp kim chronograph chính. Hạn chế của rattrapante là không có bộ đếm phút nào dành riêng cho rattrapante (chỉ có bộ đếm phút chronograph chính).
Bạn có thể tìm hiểu nhiều điều thú vị hơn về tính năng này tại: Phân tích chuyên sâu về Chronograph Split-Seconds và các biến thể cổ điển.
Đồng hồ Patek Philippe Chronograph Split-Seconds 5370P-001
Nếu bạn muốn khắc phục hạn chế của chronograph rattrapante, bạn có thể mua một chiếc đồng hồ thạch anh (quartz) với mức giá khiêm tốn, hoặc một trong những chiếc đồng hồ cơ phức tạp nhất (với mức giá $120.000, một trong những chiếc đồng hồ chronograph đắt nhất Thế giới) - A. Lange & Söhne Double Split Flyback Chronograph.
Mặt lưng đồng hồ A. Lange & Söhne Double Split Flyback Chronograph
Lịch thứ-ngày, bạn có cần?
Một thực tế mà chúng ta sẽ hơi khó khăn để tiếp nhận: phần lớn đồng hồ bấm giờ dù là chronograph cổ điển hay hiện đại, dù đẹp nhất hay phổ biến nhất đều không có lịch thứ/ngày. Bạn có thể tiếp nhận sự thật này bằng cách nhìn vào: Rolex Daytona, Omega Speedy Pro, IWC Portuguese Chronograph và các mẫu đồng hồ bấm giờ cổ điển từ Rolex, Patek Philippe, Breitling và nhiều thương hiệu khác nữa.
Đồng hồ Rolex Cosmograph Daytona
Một số người trong số chúng ta mong muốn có chức năng thứ/ngày trên chiếc đồng hồ của mình nhưng chronograph lại ít khi có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, ở đây chỉ là “phần lớn” chứ không phải là “tất cả”. Một số hãng đồng hồ danh tiếng luôn theo đuổi sự thực dụng mà họ có thể mang đến cho khách hàng. Và thế là cơ hội gặp gỡ những chiếc đồng hồ bấm giờ có lịch thứ/ngày của chúng ta đã không còn thưa thớt như trước nữa. Tiêu biểu như: IWC Pilot Chronograph Day/Date, IWC Portofino Chronograph, Omega Speedmaster Chronograph, TAG Heuer Aquaracer Chronograph,...
Đồng hồ IWC Portofino Chronograph
Yếu tố cuối cùng
Và cuối cùng là một đặc điểm đáng lưu ý. Một thang đo bổ sung vào mặt số chronograph hoặc viền bezel sẽ mở rộng phạm vi thông tin mà đồng hồ có thể truyền tải. Chúng ta có thể suy xét các thang đo này như những ứng dụng nguyên thủy làm tăng tính hữu dụng của chronograph.
Đồng hồ Omega Speedmaster Chronograph với viền Tachymeter
Một bộ thang đo dựa trên mối quan hệ giữa thời gian, tốc độ và khoảng cách - nếu bạn biết trước hai giá trị, bạn có thể tính toán được giá trị thứ ba và thang đo sẽ thực hiện phép tính cho bạn. Ví dụ, một Tachymeter cho pháp bạn tính toán tốc độ trên một khoảng cách đã biết, thường là km hoặc dặm. Hầu hết một Tachymeter bắt đầu từ mốc 500 hoặc 400 (thường nằm ở vị trí 8 giây). Một ví dụ đơn giản về việc sử dụng Tachymeter cùng với Chronograph: Khởi động chronograph khi xe vượt qua điểm đánh dấu đầu tiên (km hoặc dặm) và dừng chronograph khi xe vượt qua điểm đánh dấu tiếp theo. Nhìn vào vị trí trên thang Tachymeter mà kim giây chronograph đang chỉ vào, con số đó đại diện cho tốc độ xe của bạn.
Đồng hồ Longines Tachymeter Automatic Chronograph
Tachymeter chỉ có thể đo trong một phút và thường được phân loại để chỉ hiển thị một phạm vi tốc độ nhất định (ví dụ: từ 60 đến 400 km mỗi giờ). Tốc độ của người chạy bộ (quá chậm) và máy bay phản lực siêu âm (quá nhanh) nằm ngoài phạm vi hiệu quả của Tachymeter.
Telemeter cho phép người dùng tính toán khoảng cách dựa trên tốc độ và thời gian đã biết. Thang đo được chia bằng cách sử dụng tốc độ âm thanh trong khí quyển. Thang đo Telemeter cho phép người dùng xác định khoảng cách đến một sự kiện có thể nhìn thấy và nghe thấy. Hai ví dụ được trích dẫn rộng rãi nhất là sấm sét và tiếng pháo bông nổ. Người dùng bắt đầu bấm giờ khi nhìn thấy sấm chớp (hoặc ánh sáng lóe lên) và dừng đồng hồ bấm giờ khi nghe được âm thanh. Khoảng cách gần đúng từ chỗ của bạn đến sự kiện đó (chỗ đốt pháo hoặc nơi có mây tụ sấm sét) có thể được đọc bởi vị trí mà kim giây chronograph đang chỉ vào Telemeter.
Đồng hồ Longines Heritage Telemeter Chronograph
Pulsometer và asthmometer hoạt động theo cùng một nguyên tắc để chỉ ra nhịp tim hoặc nhịp thở của người đeo. Thang đo thường được giải thích trên mặt số. Ví dụ, nó có thể đọc được 30 xung nhịp hoặc 5 lần hô hấp. Kim giây sẽ chỉ vào số nhịp tim hoặc nhịp thở mỗi phút trên thang đo.
Đồng hồ Montblanc Heritage Pulsometer ra mắt tại SIHH 2019
Và như thế, đề tài ngày hôm nay của chúng ta sẽ kết thúc tại đây. Với những gì mà Luxshopping tìm hiểu và tổng kết qua bài viết này, hy vọng chúng tôi có thể giúp bạn tiến gần hơn với chiếc đồng hồ bấm giờ mơ ước của bạn.
Bình luận - Phản hồi