Skip to Main Content
SIHH & BaselWorld sự khác biệt mà tín đồ của đồng hồ cần biết

BaselWorld và SIHH (Salon International de la Haute Horlogerie)là 2 sự kiện triển lãm đồng hồ, trang sức được mong chờ nhất trong năm của ngành chế tác. Vậy giống nhau và khác nhau của 2 sự kiện này như thế nào?

1. Lịch sử

SIHH lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1991 tại Geneva nhằm mục đích tôn vinh những thương hiệu đồng hồ cao cấp và tạo ra một quy chuẩn về quyền lợi đặc biệt dành cho những khách hàng ưu tú. Triển lãm đầu tiên chỉ là một triển lãm với quy mô nhỏ, diễn ra trong 5 ngày tại một khu triển lãm với diện tích 4,500 m2 và có sự tham gia của vỏn vẹn chỉ 5 thương hiệu (Baume & Mercier, Cartier, Piaget, Gérald Genta và Daniel Roth). Sau 25 năm, dù vẫn giữ nguyên mục đích từ những ngày đầu nhưng giờ đây SIHH đã là một sự kiện lớn với sự tham gia của 16 thương hiệu cao cấp và diễn ra tại một khu triển lãm với diện tích 40,000 m2

So với SIHH, Baselworld có một lịch sử lâu đời hơn rất nhiều. Triển lãm khởi nguồn từ một hội chợ đa ngành của Thuỵ Sỹ (trong đó có ngành đồng hồ và trang sức) tại Basel vào năm 1917 và cho đến năm 1931 mới trở thành một hội chợ đồng hồ và trang sức riêng biệt. Tuy nhiên, kể từ năm 1973, triển lãm này mới có sự tham gia của các thương hiệu bên ngoài Thuỵ Sỹ, bắt đầu từ các nước châu Âu (Pháp, Đức, Ý và khối liên hiệp Anh). Vào năm 1983, triển lãm đổi tên thành Basel 83 và kể từ các năm sau là Basel và 2 chữ số cuối cùng của năm đó. Năm 2003, triển lãm lại đổi tên 1 lần nữa, trở thành cái tên như ngày nay: Triển lãm đồng hồ và trang sức Baselworld.

Với lịch sử lâu đời và đa dạng về mặt thương hiệu, Baselworld xứng đáng là triển lãm đồng hồ trang sức được mong đợi nhất trong năm.

2. Thời gian diễn ra

Cả 2 hội chợ này đều diễn ra hàng năm vào khoảng thời gian đầu năm, cụ thể là vào quý I: SIHH diễn ra sớm hơn vào tháng 1, còn BaselWorld được tổ chức sau đó vào tháng 3. Năm nay, SIHH 2016 được tổ chức trong 4 ngày (18 – 22/1/2016) trong khi Baselworld 2015 kéo dài trong 7 ngày (17 – 24/3/2016).

Triển lãm SIHH do Fondation de la Haute Horlogerie tổ chức diễn ra vào tháng 1 hàng năm.

Trong khi đó, triển lãm danh tiếng Baselworld diễn ra vào tháng 3 hàng năm.

3. Địa điểm và Quy mô

Triển lãm đồng hồ và trang sức Baselworld được tổ chức tại Basel, thành phố đông dân thứ 3 của Thuỵ Sỹ. Là triển lãm đồng hồ và trang sức được mong đợi nhất trong năm, Baselworld cần một địa điểm cực lớn để có thể chứa được số lượng khổng lồ những thương hiệu đăng ký tham gia triển lãm. Địa điểm được nhà tổ chức lựa chọn cho năm nay là khu triển lãm phức hợp MCH Basel Exhibition nằm gần trung tâm thành phố với diện tích lên đến 141,000 m2. Đây là khu triển lãm lớn nhất và quan trọng nhất của Thuỵ Sỹ, gồm 6 toà nhà lớn (Hall 1, Hall 2, Hall 3, Hall 4, Hall 5 và Palace), 1 khách sạn và hàng loạt khu ăn uống.

baselworld 2016

Nằm gần trung tâm thành phố Basel, khu triển lãm phức hợp MCH Basel Exhibition có diện tích 141,000m2 với 6 toà nhà lớn, 1 khách sạn và hàng loạt khu ăn uống.

Fondation de la Haute Horlogerie đã chọn một địa danh mang ý nghĩa lịch sử - thành phố Geneva, nơi được coi là thủ phủ của đồng hồ Thuỵ Sỹ để làm địa điểm tổ chức SIHH. SIHH 2016 diễn ra tại 1 phần của khu triển lãm Palexpo Geneva, nằm gần sân bay quốc tế Geneva, với diện tích 40,000 m2 - khá khiêm tốn nếu so sánh với diện tích mà triển lãm Baselworld đã thuê tại khu triển lãm MCH Basel Exhibition. Tuy nhiên, vì số lượng thương hiệu tham dự không nhiều nên diện tích từng gian hàng vẫn rất rộng, có thể sánh ngang hoặc thậm chí lớn hơn những gian hàng lớn nhất tại Baselworld.

4. Mục đích

Chương trình quan trọng nhất của cả 2 triển lãm là khi các thương hiệu ra mắt những bộ sưu tập mới cũng như cho phép các nhà bán lẻ hàng đầu đặt hàng những mẫu này. Triển lãm cũng là dịp để các thương hiệu lớn tổ chức họp báo, phát hành thông cáo báo chí và tiếp đón các nhà báo. Các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới đến đây để truyền tải thông tin về các sự kiện ra mắt sản phẩm mới và những xu hướng mới nhất.

Cả 2 triển lãm này đều được tổ chức không nhằm cho mục đích bán lẻ. Điều đó có nghĩa việc các khách tham dự đến đây để mua trực tiếp sản phẩm là điều gần như không thể xảy ra. Đồng hồ và trang sức được trưng bày tới công chúng trong tủ kính. Nếu muốn xem kĩ hơn, khách hàng phải có cuộc hẹn được sắp xếp trước với các thương hiệu và sẽ được xem những bộ sưu tập trong phòng kín đảm bảo an ninh ở phía sau các gian hàng trưng bày.

5. Thương hiệu tham gia

Sự khác biệt rõ rệt nhất giữa 2 triển lãm tên tuổi này là ở những thương hiệu tham dự.

Về số lượng, SIHH có phần khiêm tốn hơn với chỉ 16 thương hiệu tham gia. Ngược lại, Baselworld 2016 có đến hơn 1,500 thương hiệu lớn nhỏ cùng tham dự.

baselworld 2016

Chi tiết hơn, trong khi SIHH là “sân chơi” của phần lớn những thương hiệu tên tuổi nhất đến từ tập đoàn Richemont Group (Vacheron Constantin, Baume & Mercier, Jaeger-LeCoultre, A.Lange & Sohne, Cartier, Officine Panerai, IWC, Piaget, Van Cleef & Arpels, Montblanc và Roger Dubuis) thì Baselworld lại là nơi hội tụ của những thương hiệu thuộc các tập đoàn Swatch Group (với các thương hiệu cao cấp như Breguet, Blancpain, Harry Winston, Jacquet Droz hay Omega…), LVMH (Tag Heuer, Zenith, Hublot, Movado…).

Tuy nhiên, bên cạnh những thương hiệu thuộc những tập đoàn lớn, cả SIHH và Baselworld đều có sự tham dự của những thương hiệu độc lập với danh tiếng không kém như Richard Mille, Parmigiani Fleurier, Audemars Piguet tại SIHH và Patek Philippe, Rolex tại Baselworld.

Bên cạnh Audemars Piguet và Parmigiani Fleurier, Richard Mille là một thương hiệu độc lập khác tham dự SIHH 2016.

Thêm một lưu ý khác, SIHH là triển lãm chỉ dành riêng cho những sản phẩm đồng hồ, trong khi Baselworld là triển lãm dành cho cả đồng hồ và trang sức.

Không khó để nhận ra sự góp mặt của các thương hiệu trang sức tại Baselworld.

6. Khách tham dự

Một điểm khác biệt cơ bản khác giữa 2 triển lãm này là đối tượng khách tham dự.

SIHH là một triển lãm “đóng” (invite-only). Khách tham dự SIHH bắt buộc phải là nhà bán lẻ, nhà phân phối hoặc nhà báo, phóng viên có giấy mời từ 1 trong các thương hiệu tại triển lãm.

Trong khi đó, để có được vé vào cửa để tham quan Baselworld, quý vị hoàn toàn có thể bỏ tiền để mua trên trang web chính thức của Baselworld hoặc mua tại địa điểm diễn ra triển lãm mà không cần bất cứ lời mời nào. Giá vé vào cửa năm nay là 60 Franc Thuỵ Sĩ một vé một ngày và 150 CHF cho một vé tham quan đầy đủ cho cả triển lãm.

Bất cứ ai cũng có thể vào triển lãm Baselworld. Vé vào cửa được bán rộng rãi trên trang web chính thức hoặc tại địa điểm diễn ra triển lãm

Lời kết: Với kinh nghiệm tham dự cả 2 triển lãm đồng hồ và trang sức cao cấp năm nay, Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm thực tế và tư vấn cho các quý khách có dự định tham quan triển lãm Baselworld vào năm sau cũng như những người có niềm đam mê về đồng hồ và trang sức.

0